Sự thay đổi đột ngột về khí huyết, nội tiết tố, suy giảm tuyến giáp làm nhiều chị em phụ nữ sau sinh đẻ thường có cảm giác mệt mỏi, uể oải, ăn không vào, đau nhức mình mẩy, tinh thần suy sụp,…Đó chính là những dấu hiệu của suy nhược cơ thể sau sinh.    

Phụ nữ sau sinh rất dễ bị suy nhược cơ thể

Khi mang thai, toàn bộ năng lượng và chất dinh dưỡng để nuôi thai cũng như các phần phụ như nhau thai, dây rốn, nước ối,…được lấy từ cơ thể người mẹ. Trong lúc chuyển dạ, người mẹ mất rất nhiều năng lượng, máu và mồ hôi để đứa con được ra đời khỏe mạnh. Sau khi sinh xong, lại tiếp tục tích lũy dinh dưỡng để có sữa cho con bú. Toàn bộ quá trình đó là một niềm hạnh phúc nhưng cũng lấy đi thật nhiều sức lực của người phụ nữ. Nếu việc bồi dưỡng ăn uống, chế độ nghỉ ngơi và trạng thái tâm lí không được chú trọng, lâu ngày sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể.

Theo quan điểm của y học cổ truyền, triệu chứng suy nhược cơ thể này gây ra do sau khi sinh tân dịch hao tổn, khí huyết xấu, lại không thể bổ sung kịp thời để phục hồi khí huyết, gây huyết hư hỏa động. Trên thực tế, không thiếu các trường hợp sau sinh gặp các vấn đề như đau bụng sau đẻ, phát sốt, táo bón, huyết hôi ra nhiều, ít sữa, hay chóng mặt, buồn nôn, hay mất ngủ, tinh thần u uất,…

Những đối tượng hay gặp phải suy nhược cơ thể sau sinh là các sản phụ thường xuyên gặp phải các vấn đề về sức khỏe, có thể chất yếu ớt, không bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết hoặc những phụ nữ phải lao động nhiều mà ít được nghỉ ngơi khi mang thai. Ngoài ra, triệu chứng này còn đặc biệt hay gặp ở những phụ nữ có hệ thần kinh không khỏe mạnh, đang bị mắc rối loạn lo âu, căng thẳng và áp lực trong cuộc sống, trầm cảm, suy nhược thần kinh

Chăm sóc sản phụ khi bị suy nhược cơ thể

Việc chăm sóc sản phụ sau sinh rất quan trọng bởi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn cả sức khỏe của em bé. Sau khi sinh con, người mẹ cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt để nhanh phục hồi sức khỏe và để cho con phát triển tốt nhất. Nên ăn nhiều loại thức ăn lợi sữa, đầy đủ dưỡng chất, ăn khi còn nóng. Ăn nhiều rau và hoa quả tươi, chất xơ giúp phòng tránh táo bón ở cả mẹ và trẻ bú sữa.

Đối với mẹ có những triệu chứng trầm cảm sau sinh cần tránh suy nghĩ tiêu cực; chia sẻ với người thân, bạn bè những cảm giác sau khi sinh đẻ; Tham gia các khóa học dành cho các bà mẹ. Sau khi cố gắng khắc phục bằng chế độ nghỉ ngơi và ăn uống khoa học mà không thấy đỡ, có thể uống thêm các thuốc đông y để bồi bổ, tránh việc suy nhược cơ thể tạo tiền đề cho trầm cảm phát triển ngày càng nặng hơn. Nặng hơn nữa thì cần đến cơ sở chuyên khoa để được tư vấn bởi các chuyên gia chuyên môn cao.