Suy nhược thần kinh là tình trạng rối loạn thần kinh hay gặp nhất, chiếm 60-70 % các trường hợp đến khám tại các chuyên khoa thần kinh, tâm thần với các biểu hiện: mệt mỏi, lo âu, mất ngủ, nghi mình có bệnh,... Ngày nay, khi cuộc sống hiện đại phát triển thì ngày càng có nhiều chị em mắc chứng suy nhược thần kinh. Cùng tìm hiểu về suy nhược thần kinh ở phụ nữ để có biện pháp đối phó kịp thời.
Suy nhược thần kinh ở phụ nữ là gì?
Suy nhược thần kinh ở phụ nữ là bệnh thường gặp. Trên thực tế, phụ nữ dễ bị căng thẳng dẫn đến suy nhược gấp 2 lần so với nam giới. Và suy nhược thần kinh tác động đến khoảng 1/4 số phụ nữ trên thế giới. Dấu hiệu thường gặp nhất của suy nhược thần kinh là mệt mỏi. Tuy nhiên, mệt mỏi bình thường thì rất dễ phục hồi, nhưng mệt mỏi do suy nhược thần kinh thì dường như không xác định được nguyên nhân, và cho dù người bệnh có chế độ nghỉ ngơi bồi dưỡng thế nào cũng không thể phục hồi được thể lực, thậm chí càng ngủ càng cảm thấy suy yếu, không có sức.
Suy nhược thần kinh ở phụ nữ là bệnh thường gặp
Nguyên nhân bên ngoài, do những kích thích tinh thần mạnh và liên tục trong cuộc sống, như chuyện buồn trong gia đình, trắc trở trong tình yêu, thất bại trong sự nghiệp, căng thẳng với đồng nghiệp hay hàng xóm, chịu áp lực quá nặng nề trong công việc hay thi cử, bị hiểu nhầm tai hại, ân hận, dằn vặt quá mức... Mặt khác, quá lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá hoặc một số loại tân dược cũng có thể gây ra suy nhược thần kinh. Lao động trí óc quá sức và kéo dài, mất ngủ, mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của vỏ não sẽ dẫn tới bệnh này. Tất cả những vấn đề này thông thường chị em sẽ bị tác động nhiều hơn nam giới.
Một số triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân suy nhược thần kinh:
- Bệnh nhân thường có triệu chứng mệt mỏi dai dẳng tăng lên sau một cố gắng để làm việc. Thường xuyên đau mỏi cơ bắp một cách vô cớ, khả năng làm việc sút kém, hay bị chóng mặt, hiệu quả công việc thấp.
- Người mắc suy nhược thần kinh không làm chủ được bản thân, nóng nảy, thiếu sự kiên nhẫn, không chịu nổi khi phải chờ đợi, dễ bị kích thích bởi mọi người và mọi thứ xung quanh. Họ luôn nóng nảy, cáu gắt, phản ứng quá mức khi bị kích động, nôn nóng làm mọi thứ nhưng lại nhanh mệt, nhanh chán. Bệnh nhân dễ xúc động, mủi lòng, dễ khóc, dễ thay đổi cảm xúc.
- Đau đầu: Cảm giác đau âm ỉ lan tỏa toàn bộ đầu, đau đầu sẽ càng tăng lên khi có kích thích, suy nghĩ, lo lắng có thể kèm theo chóng mặt, choáng váng đầu óc…
- Mất ngủ thường xuyên: Cảm thấy rất khó đi vào giấc ngủ, ngủ không say giấc, hay gặp mộng, trằn trọc, dễ đánh thức và khó ngủ lại, đôi khi thức trắng đêm, ban ngày luôn cảm thấy mệt mỏi và hay ngáp vặt.
- Suy giảm trí nhớ: Người bệnh giảm trí nhớ, khả năng ghi nhớ sút kém và khó tiếp thu cái mới.
Ngoài ra, bệnh nhân suy nhược thần kinh còn có những biểu hiện về rối loạn thần kinh thực vật như hay hồi hộp, đánh trống ngực, mạch nhanh, khó thở, toát mồ hôi, có từng cơn nóng bừng hay lạnh toát, run chân tay, run mi mắt, giảm hoạt động tình dục, ở chị em phụ nữ thì thường có biểu hiện rối loạn kinh nguyệt… khiến người bệnh hoài nghi có bệnh nặng trong cơ thể, nhưng thực tế thì họ không có bệnh lý nào cả.
Đối phó với suy nhược thần kinh ở phụ nữ
Để phòng tránh suy nhược thần kinh, chị em nên duy trì tâm lý vui vẻ, điều này rất có lợi trong việc điều hoà chức năng, duy trì cân bằng môi trường bên trong cơ thể. Cần có không khí gia đình đầm ấm, xây dựng mối quan hệ bạn bè tốt đẹp. Trong cuộc sống cần vị tha, bồi dưỡng tâm thiện, có nếp sống lành mạnh, rèn luyện tinh thần điềm tĩnh có thể ứng phó với những tác động bên ngoài. Tránh cô độc, bảo thủ cố chấp, tăng giao tiếp, nên nhìn cuộc sống bằng con mắt lạc quan, yêu đời. Những người luôn vui vẻ, hài hước, nụ cười luôn nở trên môi khó có thể mắc bệnh suy nhược thần kinh nguy hiểm này.
Kết hợp lao động và nghỉ ngơi một cách khoa học. Khi làm việc thì tập trung để đạt hiệu suất cao, giờ nghỉ cơ thể phải được thư giãn. Có những người lao động trí óc xong lại lao vào chơi cờ, đánh bài thâu đêm suốt sáng. Một số trẻ em tiểu học đã nghiện chơi game với thời gian quá mức cho phép rất có hại cho mắt và thần kinh. Nên xen kẽ lao động trí óc với chân tay. Ngoài thời gian nghỉ dài, trong công việc nên có giải lao ngắn 5- 10 phút. Một số trường học vẫn duy trì được thể dục giữa giờ rất tốt cho học sinh.
Muốn hệ thần kinh hoạt động tốt thì cơ thể phải được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và an toàn. Một cơ thể suy dinh dưỡng không thể có hệ thần kinh tốt. Hấp thu đầy đủ protein, chất béo, can xi có lợi cho giấc ngủ. Ăn uống cần đúng giờ, thực phẩm nên thay đổi cho đa dạng. Một số phụ nữ trẻ và người cao tuổi ăn ít hoặc kiêng khem quá mức dễ dẫn đến thiếu chất cũng làm suy yếu hệ thần kinh. Uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ giúp ngủ ngon hơn. Nên bổ sung các vitamin A, C, E, B1, B6, B12 hoặc dùng một số vị thuốc hỗ trợ chữa mất ngủ trong dân gian như lá vông nem, táo nhân, hồng táo, viễn chí,..
Thu Nga.