Mất ngủ là một trong những căn bệnh tưởng chừng không nguy hiểm nhưng có nguy cơ bào mòn thể lực và thần kinh âm thầm, dai dẳng, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Theo nghiên cứu về giới hạn sự sống của con người, chúng ta có thể nhịn ăn từ 1-2 tháng, không cần nước uống từ 2-3 tuần, nhưng 10 ngày mà bạn không ngủ bạn có thể thiệt mạng.
Khẳng định của nghiên cứu trên cho thấy mức độ quan trọng của giấc ngủ đối với cuộc sống của mỗi cá nhân nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay, giấc ngủ mất dần vị trí quan trọng trong thời gian biểu của con người trước công việc và các thú vui giải trí khác. Bên cạnh đó sự ảnh hưởng của môi trường, áp lực của sống.. khiến cho rất nhiều người trưởng thành rất khó “chợp mắt” khi ngủ.
Mất ngủ kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe
Ít ai biết được giấc ngủ là một phần không thể thiếu đối với sinh hoạt cá nhân trong một ngày vì thiếu ngủ gây cho chúng ta rất nhiều tác hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những cơ quan quan trọng của cơ thể như hệ thần kinh, tim, mạch.. và là “kẻ thù” của sắc đẹp phụ nữ.
Trước hết, nếu mất ngủ thoáng qua sẽ gây trạng thái buồn ngủ, vẻ mặt kém linh hoạt. Mất ngủ kéo dài sẽ gây mệt mỏi, trầm cảm, dễ cáu gắt, giảm tập trung chú ý. Mất ngủ thoáng qua hay kéo dài cũng đểu ảnh hưởng đến khả năng làm việc/ học tập, dễ gây tai nạn khi lái xe, vận hành máy móc …
Nếu bị mất ngủ thường xuyên bạn sẽ: Mất đi 20% thời gian sống, tăng nguy cơ dau tim đến 50%, còn đối với nữ giới, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú tăng 70%.
Nếu mất ngủ kéo dài, bạn có thể bị mắc một trong những bệnh sau:
1. Tăng cân: Thiếu khiến việc thừa cân ngày càng trầm trọng hơn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi thiếu ngủ, cơ thể bạn sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, các cơ quan không đảm trách được chức năng vốn có của cơ thể, khiến cho lượng calo không thể tiêu hao, tăng lượng mỡ tích tụ.
Mặc khác, những người thiếu ngủ có hoạt động não bộ nhiều hơn trong các vùng liên quan đến động lực ăn uống, nhưng lại ít hoạt động ở những vùng có thể giúp lựa chọn thực phẩm lành mạnh, từ đó dẫn đến tăng ham muốn các món ăn nhiều calo.
2. Giảm trí nhớ
Thiếu ngủ là nguyên nhân dẫn tới suy giảm hoạt động của não bộ. Giấc ngủ đủ là thời gian phục hồi lại sức lực. Thiếu ngủ dẫn đến giảm trí nhớ, khó tập trung chú ý, giảm sút khả năng lao động và hậu quả tất yếu là giảm tính tích cực trong cuộc sống.
3. Ảnh hưởng đến làn da
Thức khuya là kẻ thù số một của làn da, thiếu ngủ sẽ gây rối loạn các hoạt động điều tiết của tế bào da, ảnh hưởng xấu đến sức sống của các tế bào biểu bì ở da.
Thiếu ngủ ảnh hưởng tới chức năng bảo vệ da tự nhiên, làm khô da và làm tăng độ nhạy cảm trên da. Từ đó mà lớp biểu bì trở nên yếu và khả năng tự bảo vệ rất kém, nhất là khi phải tiếp xúc với hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường như hiện nay.
4. Rối loạn tâm lý
Thiếu ngủ, bộ não sẽ có những phản ứng tiêu cực. Nó thường dẫn đến tình trạng rối loạn, lo âu, cáu gắt, uể oải, mệt mỏi…. Đồng thời gây nảy sinh rất nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, tự kỷ… Nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hoàn thiện của hệ thần kinh.
5. Bệnh tim mạch
Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh về tim mạch. Bởi khi đó, hệ thần kinh giao cảm hoạt động nhiều hơn, mạch máu co lại, huyết áp tăng, tạo áp lực thêm cho trái tim. Hơn nữa, khi ngủ ít, cơ thể cần nhiều insulin hơn để duy trì mức độ đường huyết bình thường, do đó có tác động xấu tới mạch máu và tim.
6. Bệnh tiểu đường
Theo nhiều nhà khoa học, thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh tiểu đường. Thiếu ngủ sẽ dẫn đến viêm cứng lòng mạch máu vì gia tăng hormon gây stress, đường huyết, huyết áp và béo phì, các nguy cơ dẫn tới bệnh tiểu đường.
Để tránh những tác hại nguy hiểm mà mất ngủ có thể gây ra cho bạn điều cần thiết nhất là bạn phải quan tâm thực sự đến giấc ngủ, “lập trình” lại thói quen đi ngủ đúng giờ và tạo cho mình một cảm giác thoải mái trước khi di ngủ để có một giấc ngủ sâu. Ngoài ra, bạn nên tập thể dục kết hợp với ăn uống đúng giờ và đủ chất, hạn chế dùng các thiết bị điện tử như máy vi tính, điện thoại di động,.. trước khi ngủ 45 phút.