Từ “suy nhược thần kinh” được sử dụng lần đầu vào năm 1829 nhưng đến năm 1869 thì nó mới được sử dụng rộng rãi để chỉ tình trạng cơ thể mệt mỏi, lo lắng, đau đầu, đau dây thần kinh và tâm trạng chán nản. Hiện tại, tổ chức y tế thế giới xếp loại bệnh suy nhược thần kinh vào nhóm bệnh rối loạn tâm thần nhẹ. Gần đây, bệnh này được gắn liền với hội chứng suy nhược mạn tính.
Ảnh minh hoạ.
Đây là bệnh rất thường gặp và có thể lầm lẫn với trạng thái mệt mỏi sinh lý. Nhiều nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh với 3 giả thuyết: chất gây suy nhược, rối loạn hoạt động cơ và rối loạn hoạt động chất lưới. Tuy nhiên, cho đến hiện nay chưa có giả thuyết nào có cơ sở chính xác. Mặc dù, bệnh chưa rõ nguyên nhân nhưng thường xảy ra ở những người có vấn đề về tâm lý hay xảy ra sau khi mắc 1 số bệnh nhiễm trùng hay bệnh miễn dịch.
Các dấu hiệu để nghi ngờ 1 người bị suy nhược thần kinh là tình trạng mệt mỏi kéo dài hay tái phát (trên 6 tháng) không giảm khi nghỉ ngơi làm giảm khả năng học tập, làm việc hơn phân nửa. Ngoài ra, người bệnh cảm thấy:
- Người sốt nhẹ
- Đau nhiều nơi: cổ, họng, cơ, khớp nhưng không có dấu hiệu sưng, đỏ; nhức đầu
- Rối loạn giấc ngủ; ngủ nhiều hay mất ngủ, có thể đêm không ngủ được nhưng ngày rất buồn ngủ nhưng khi nằm xuống thì cũng không thể ngủ
- Các triệu chứng về thần kinh như sợ ánh sáng, mất tập trung, trầm cảm; nặng hơn người bệnh có thể có cảm giác chán sống muốn tự vẫn
Bệnh có liên quan nhiều đến trạng thái tâm thần của con người. Theo William James thì những người được sự giáo dục đúng đắn thì không rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh hay dính líu tới với những suy nghĩ tự tử". Bệnh chỉ xãy ra ở những người có nhiều tham vọng khi không đạt đến mục đích của mình rất dễ xảy ra bệnh. Đó là: học sinh trước áp lực thành tích của cha mẹ hay trước mùa thi cử; người bị thất tình, người không đạt được ước muốn trong công việc cơ quan hay cuộc sống gia đình. Vì vậy, muốn tránh mắc bệnh mỗi người nên tập chấp nhận cuộc sống hiện tại. Mỗi một người chúng ta cần cố gắng hết sức để thành công trong học tập, công việc và cuộc sống tình cảm. Tuy nhiên, mỗi chúng ta nên sắp xếp hợp lý công việc, nghỉ ngơi, thư giãn. Nên có mục tiêu sống phù hợp khả năng; không nên quan trọng hóa bất cứ 1 vấn đề nào. Cuộc sống không thể chấm dứt nếu như không thi đậu hay không có 1 người mà mình cho là không thể thiếu được hay 1 chức vụ trong công việc. Chúng ta cần tạo sự lạc quan, yêu đời và việc giáo dục kỹ năng sống tốt là vai trò của cha mẹ, nhà trường và xã hội đối với những đứa trẻ chuẩn bị vào đời.
Nguyễn Thị Minh Đức