Mệt mỏi khi mang thai là hiện tượng rất phổ biến và thường xảy ra ở giai đoạn đầu hoặc cuối thai kì. Tuy nhiên, đây là vấn đề khiến nhiều bà mẹ lo lắng và không yên tâm về những ảnh hưởng tới sức khở của trẻ khi triệu chứng này kéo dài. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn trả lời những thắc mắc này.
Mệt mỏi khi mang thai
Nguyên nhân gây mệt mỏi khi mang thai
Sự thay đổi hormon, cụ thể hơn là nồng độ progesteron trong máu tăng cao đột ngột đã gây ra rất nhiều xáo trộn trong cơ thể người phụ nữ mang thai. Ba tháng đầu mang thai đôi khi như một cuộc chiến đầy cam go với các bà mẹ trẻ. Ốm nghén, nôn và buồn nôn liên tục khiến cơ thể phụ nữ mang thai luôn trong tình trạng kiệt sức. Thiếu năng lượng cũng gây ra các vấn đề liên quan đến suy nhược thần kinh như luôn cảm thấy lo lắng, căng thẳng, buồn rầu, chán nản, từ đó dẫn đến hậu quả các bà mẹ rất hay mệt mỏi và mất ngủ.
Bên cạnh nguyên nhân chính là sự thay đổi hormon, mệt mỏi còn gây ra bởi thiếu máu. Thiếu máu làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng tới các cơ quan trong cơ thể, làm giảm quá trình trao đổi chất tạo năng lượng của cơ thể.
Mệt mỏi khi mang thai kéo dài bao lâu?
Tùy theo cơ địa từng người mà tình trạng mệt mỏi kéo dài trong thời gian bao lâu. Thông thường, trong 3 tháng đầu các bà mẹ sẽ hay cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt. Đến tháng thứ 4, các triệu chứng này thuyên giảm dần. Tuy nhiên, đến tháng thứ 7 một số người bắt đầu cảm thấy mệt mỏi trở lại do sự tăng lên về kích thước của em bé làm mẹ hay bị đau lưng, chuột rút, ợ nóng, thường xuyên bị mất ngủ do em bé đạp,…
Mệt mỏi khi mang thai có nguy hiểm không?
Đa phần các trường hợp mệt mỏi khi mang thai là triệu chứng bình thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì lại là dấu hiệu nghiêm trọng của chứng trầm cảm, suy nhược thần kinh hay thiếu máu nặng. Để phòng tránh điều này, bạn cần đi kiểm tra sức khỏe thai kì thường xuyên và phải ghi lại cụ thể các triệu chứng trong quá trình mang thai. Đặc biệt cần chú ý khi có triệu chứng như sức khỏe không hồi phục sau nghỉ ngơi kèm theo hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh, thở ngắn, da xanh,…
Để kiểm soát những triệu chứng này, bạn nên có một lối sống lành mạnh như tập đi ngủ sớm và đúng giờ, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, uống bổ sung đầy đủ sắt và các vitamin cần thiết trong quá trình mang thai, tập những bài thể dục đơn giản và đều đặn hàng ngày,…Chỉ cần thực hiện những việc đơn giản đó sẽ giúp bé yêu của bạn được ra đời một cách khỏe mạnh.
Minh Ngọc.