Stress là một tình trạng căng thẳng thần kinh do phải chịu một (hoặc nhiều) áp lực lớn trong cuộc sống hoặc công việc.
Đa số chúng ta không thích bị căng thẳng, bị áp lực trong công việc cũng như trong cuộc sống, nhưng xét theo khía cạnh y học thì không phải chứng căng thẳng tinh thần nào cũng xấu và gây hại cho sức khỏe, mà trái lại, trong một số trường hợp cụ thể thì stress* sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn, tập trung tinh thần tốt hơn từ đó hoàn thành công việc hiệu quả hơn. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về chứng stress có lợi và có hại trong bài viết sau đây.
Tương tự như vậy, "lo lắng" là một trạng thái khác nhẹ hơn của stress. Chúng ta thường bị hồi hộp và lo lắng trước khi làm một việc quan trọng gì đó hoặc khi bị áp lực. Theo Youbeauty thì có 2 trạng thái lo lắng, 1 tốt và 1 xấu như sau:
Lo lắng: có lợi
Như giải thích về stress ở trên, trong một số trường hợp mà thần kinh của bạn bị kích thích, ví dụ trước một buổi họp hoặc chuẩn bị dự phỏng vấn xin việc. Lúc này cơ thể sẽ tiết ra Adrenaline làm tăng nhịp tim và hơi thở, trong trường hợp này bạn sẽ thấy mình tỉnh táo hơn, tinh thần tập trung hơn, mắt nhìn tinh tường hơn và tai nghe rõ hơn. Nhờ sự tập trung cao độ này mà thông thường bạn sẽ hoàn thành công việc chính xác và tập trung hơn, tránh được trường hợp lơ đãng, thiếu sót. Tuy nhiên cũng có trường hợp vì quá hồi hộp hoặc "run" nên bạn sẽ dễ mắc sai lầm.
Nghiên cứu của trường đại học Y khoa Rochester ở New York, Mỹ phát hiện rằng với một số người tự cho là họ mắc chứng "dễ bị hồi hộp" (hay còn gọi là worrywart) sẽ có lượng protein Interleukin 6 trong máu thấp hơn những người bình thường, vì vậy mà họ sẽ tập trung tốt hơn, làm việc tỉ mỉ hơn và từ đó hoàn thành công việc tốt hơn. Rochester cũng cho biết một công trình nghiên cứu kéo dài đến 80 năm cho biết những người luôn nhìn cuộc sống bằng lăng kính màu hồng (tức là yêu đời, ít lo lắng, hồi hộp) có tuổi thọ trung bình thấp hơn những người thi thoảng lo lắng và hồi hộp. Vì vậy, hồi hộp hay căng thẳng thần kinh không phải lúc nào cũng có hại cho sức khỏe.
Lo lắng: có hại
Trái có lo lắng có lợi, nếu bị hồi hộp, lo lắng kéo dài thì bạn rất dễ bị stress. Chứng căng thẳng thần kinh thường xuyên (mãn tính) sẽ gây cho bạn nhiều phiền toái, cụ thể là ức chế thần kinh và tệ hơn là trầm cảm. Từ đó sinh ra những chứng bệnh như bệnh tim, đau lưng, mờ mắt, đau đầu, bực tức trong người, điếc đột ngột. Một số người, nhất là phái nữ, khi bị stress thường ăn nhiều hơn với mong muốn giải tỏa căng thẳng, nhưng nạp nhiều năng lượng và ít vận động sẽ khiến họ bị béo phì và sinh ra nhiều hệ lụy khác.
Đối mặt với tress
Áp lực của công việc, cuộc sống luôn khiến chúng ta bị stress, và đây là điều không thể tránh khỏi, và chúng ta chỉ có cách là đương đầu với chúng mà thôi. Cách tốt nhất để ngăn ngừa stress tìm tới bạn là bạn hãy sống cởi mở hơn: chơi thể dục thể thao, đi chơi, du lịch với gia đình, bạn bè, xem phim, đọc sách báo. Ngoài ra, uống đủ nước, bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể bằng việc ăn trái cây, rau củ quả cũng giúp cơ thể bạn khỏe hơn, tăng sức đề kháng và giảm stress.
Nguyễn Trọng Khang