Thời tiết chuyển sang nắng nóng, nhiều người cảm thấy mệt mỏi, uể oải vì chưa thích nghi với khí hậu. Nhưng mệt mỏi do thời tiết sẽ hết mau. Tuy nhiên, cũng còn có một chứng bệnh gọi là hội chứng mệt mỏi kéo dài mà khi chuyển mùa cũng làm bệnh nặng hơn. Mời bạn đọc tìm hiểu hội chứng mệt mỏi kéo dài trong bài viết sau đây:

Sau khi mắc một số bệnh là bị mệt mỏi kéo dài

Hội chứng mệt mỏi kéo dài (CFS) là một rối loạn phức tạp, điển hình là tình trạng bệnh nhân rất mệt mỏi, không cải thiện được khi nghỉ ngơi tại giường dẫn đến hoạt động thể lực hoặc tâm thần kém đi. Bệnh có thể xuất hiện ngay sau nhiễm khuẩn, cảm lạnh, viêm phế quản, tăng bạch cầu đơn nhân, viêm gan hoặc bệnh đường ruột.
kim thần khang - suy nhược thần kinh (Ảnh minh họa)
Ảnh minh họa.
 
Phát bệnh sau một stress hoặc phát bệnh từ từ mà không có nguyên nhân rõ ràng. Bệnh có biểu hiện giống cúm, có thể làm tiêu hao năng lượng và đôi khi kéo dài nhiều năm. Những người trước đây rất khỏe mạnh và sinh lực dồi dào có thể rất mệt mỏi, yếu ớt và đau đầu cũng như đau khớp, đau cơ và hạch bạch huyết.

Cho đến nay, người ta vẫn không biết được nguyên nhân của bệnh, nhưng có một số bệnh có liên quan đến việc phát sinh mệt mỏi là: thiếu máu do thiếu sắt; hạ đường huyết; dị ứng với các yếu tố môi trường; nhiễm khuẩn lan rộng như tăng bạch cầu đơn nhân; rối loạn chức năng hệ miễn dịch; thay đổi nồng độ hormon; hạ huyết áp nhẹ, kéo dài. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh không rõ nguyên nhân.

Biểu hiện bệnh

Hội chứng mệt mỏi kéo dài có các triệu chứng giống với các bệnh nhiễm virut nhưng kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Bệnh có 8 triệu chứng nguyên phát là: mất trí nhớ hoặc mất tập trung, đau họng, hạch bạch huyết ở cổ và nách đau và sưng nhẹ, đau cơ không rõ nguyên nhân, đau di chuyển từ khớp này sang khớp khác mà không sưng hoặc đỏ, đau đầu theo một mức độ mới, rối loạn giấc ngủ, rất mệt sau tập luyện bình thường hoặc gắng sức.  

Theo nhóm nghiên cứu hội chứng mệt mỏi kéo dài quốc tế và Trung tâm Phòng chống bệnh (CDC) Hoa Kỳ thì một người có tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng mệt mỏi kéo dài là bị mệt mỏi kéo dài bằng hoặc nhiều hơn 6 tháng và có ít nhất 4 trong số 8 triệu chứng nguyên phát.
Mặt khác, người bị hội chứng này cũng có các triệu chứng khác bao gồm: đau bụng, không dung nạp rượu, trướng bụng, đau ngực, ho kéo dài, tiêu chảy hoặc táo bón, hoa mắt, mắt và miệng khô, đau tai, nhịp tim không đều, đau hàm, buồn nôn và nôn ọe vào buổi sáng, ra mồ hôi về đêm, thở gấp, cảm giác ngứa, sút cân, các rối loạn tâm lý như trầm cảm, dễ kích thích, lo âu và các cơn hoang tưởng.
Các triệu chứng nặng nhất trong 1-2 tháng đầu mắc bệnh. Phần lớn bệnh nhân tiến triển từ từ, mặc dù không hồi phục được sinh lực bình thường. Một số ít bệnh nhân hồi phục gần hoàn toàn, còn số ít hơn bất lực với các triệu chứng.
 Chú ý trong chữa bệnh và tự chăm sóc

Trong điều trị, người ta có thể làm giảm triệu chứng bằng các phương pháp sau: xoa bóp (mát-xa) thư giãn. Bạn nên làm chậm và tránh stress tác động đến thể lực và tinh thần. Tập luyện từ từ nhưng đều đặn để ngăn ngừa hoặc giảm yếu cơ bắp do không hoạt động trong thời gian dài và cải thiện sức khỏe. Điều trị các rối loạn như trầm cảm bằng thuốc, liệu pháp hành vi hoặc kết hợp cả hai. Giảm đau bằng thuốc acetaminophen, aspirin, ibuprofen…Chống dị ứng bằng các thuốc kháng histamin, làm thông mũi. Điều trị hạ huyết áp bằng các biện pháp nâng huyết áp như ăn uống đầy đủ, uống nước trái cây, nước trà. 

Bản thân mỗi bệnh nhân có thể duy trì sức khỏe bằng cách thực hiện theo các biện pháp tự chăm sóc sau đây: giảm stress với một kế hoạch nhằm tránh hoặc hạn chế những công việc phải gắng sức và stress tâm lý. Dành thời gian để thư giãn hàng ngày. Nhưng bạn đừng nghỉ việc hoặc ngừng tất cả các hoạt động vì như thế bệnh càng trầm trọng hơn là bạn vẫn hoạt động.
 
Ngủ đầy đủ là rất cần thiết để phục hồi sức khỏe. Bạn cần phân chia đủ thời gian để ngủ, tập các thói quen ngủ và dậy đúng giờ. Tập luyện đều đặn vì nó giúp cải thiện triệu chứng. Các bài tập như đi bộ, bơi, đạp xe và thể dục nhịp điệu, tập duỗi, tư thế đúng và thư giãn rất có ích. Đừng vận động quá sức, giữ cho các hoạt động ở mức không thay đổi. Giữ lối sống lành mạnh, ăn uống cân bằng, hạn chế dùng cà phê, không hút thuốc lá, rượu bia, nghỉ ngơi thích hợp. Đối với hầu hết bệnh nhân, các triệu chứng mệt mỏi kéo dài chỉ nặng nhất trong giai đoạn đầu của bệnh và sau đó từ từ giảm.
 
Theo thời gian, một số người hoàn toàn cảm thấy khỏe hơn. Được bác sĩ trợ giúp và tư vấn cảm xúc có thể giúp bạn và người thân đối phó với hậu quả và ảnh hưởng của bệnh. Bạn có thể tham gia vào nhóm trợ giúp và gặp gỡ những người bị mệt mỏi kéo dài để hoạt động nhằm cải thiện sức khỏe, giảm stress. Thử và dùng phán đoán của bản thân để xác định điều gì là tốt nhất đối với bạn.

Phòng bệnh: do chưa biết nguyên nhân của mệt mỏi kéo dài  nên không có cách để ngăn ngừa sự xuất hiện của bệnh một cách hữu hiệu. Tuy nhiên, bạn vẫn nên phòng tránh bằng cách khám và điều trị triệt để các bệnh có liên quan đến sự phát sinh mệt mỏi kéo dài đã nêu trên đây. 

Chuyên gia Ninh Thanh Tùng

Để biết thêm thông tin về bệnh suy nhược thần kinh, vui lòng truy cập: https://suynhuocthankinh.co/