Chào bác sĩ, cháu năm nay 15 tuổi. Dạo gần đây, bắt đầu từ đầu năm 2016, cháu bị áp lực và suy nghĩ rất nhiều thứ. Một phần là do áp lực học tập quá nặng nề cộng thêm quá nhiều lần cháu bị làm việc tư tưởng với cha mẹ về tương lai sau này. Cháu thật sự rất mệt mỏi. Hồi tháng 4 là lúc cháu đã stress nhất, quá nhiều gánh nặng đổ dồn vào một lúc khiến cháu gần như suy sụp, chỉ luôn muốn thu mình vào góc tối và buông xuôi tất cả. Đến tháng 5, vừa áp lực học tập và quan hệ xã hội với bạn bè, thêm việc cháu đã bị trộm mất 2 chiếc máy tính bỏ túi. Quá sợ mẹ la, cháu đã lo lắng và giấu giếm suốt 1 tuần liền. Cháu sợ đến nỗi chẳng thể ăn uống cũng như ngủ ngon. Cháu cũng ko thể học đc. Gần như 24/24h cháu đều nghĩ đến chiếc máy tính. Và đến cuối tuần, đỉnh điểm của sự sợ hãi, cháu đã khóc rất nhiều. Lúc ấy, cháu cảm thấy đầu óc gần như nổ tung, như là cháu sắp hoá điên vậy, cháu như muốn ngất trong phòng tắm, đầu óc hành vi cuống cuồng ko thể kiểm soát. Cháu gần như điên thật rồi. Mọi sự chịu đựng đã vượt quá giới hạn của cháu. Cháu chưa bao giờ tâm sự với ai về nỗi buồn và sự mệt mỏi của mình, dù là gia đình hay bạn bè. Vì mẹ, dù cháu yêu mẹ rất nhiều, nhưng từ bé, mẹ đã là nỗi ám ảnh của cháu, mẹ mắng chửi cháu, xúc phạm cháu rất nhiều, những lúc ko làm theo lời mẹ, mẹ còn chửi rằng muốn bóp cổ cháu chết. Mẹ mắng cháu về tất cả mọi thứ, mẹ cũng chưa bao giờ hiểu cháu đã cố gắng và vật lộn với mọi thứ nhiều như thế nào. Dù rằng cháu luôn cố gắng để đạt hạng 1 trong lớp nhưng mẹ luôn cho rằng cháu ngu. Mẹ mắng cháu từ việc ăn mặc đến ăn uống, học hành. Dù rằng rất thương mẹ, nhưng chính mẹ đã là người khiến cháu bị trầm cảm suýt chết suốt 1 năm năm lớp 5. Căn bệnh này cháu chẳng nói với ai, chỉ tự mình kiểm soát mình rồi may sao qua khỏi thôi. Đến bây giờ, dù rằng nghỉ hè nhưng cháu luôn cảm thấy buồn và mệt mỏi suốt cả ngày. Cháu luôn nhìn mọi thứ rất đen tối. Cháu suy diễn rồi tưởng tượng ra viễn cảnh u tối của bản thân trong tương lai, nhiều lúc chỉ muốn ôm đầu và hét lên nhưng lại ko thể. Cháu sợ hãi với mọi thứ, dù rằng sự kiện chiếc máy tính đó đã qua hơn 1 tháng nhưng mỗi khi nghĩ lại, tinh thần cháu lại cực kỳ hoảng loạn. Cháu lo sợ, sợ hãi bản thân sẽ bị điên vì nhiều lúc căng thẳng cực độ. Xung quanh cháu mặc dù theo cháu thấy thì rất tươi đẹp, nhưng cháu luôn suy nghĩ tiêu cực, suy diễn lung tung để rồi tự đẩy mình vào tuyệt vọng, ôm đầu sợ hãi. Cháu sắp tới còn phải đi học xa, cách nửa vòng Trái Đất. Cháu luôn bị cha mẹ doạ rằng mọi thứ rất khó khăn, dù cháu biết chắc điều đó là đúng, nhưng mỗi khi cha mẹ nhắc tới chuyện học lần nữa, cháu lại trở nên ám ảnh, áp lực rất nhiều. Cháu giờ chẳng biết làm sao. Giờ nỗi sợ lớn nhất của cháu là một lúc nào đó, cháu sẽ phát điên mà ko kiểm soát đc mình mất. Dù cháu biết rằng suy nghĩ của cháu rất bi quan nhưng cháu ko làm sao ngăn đc những dòng suy nghĩ ấy. Cháu mệt mỏi lắm, đầu óc cháu sắp nổ tung rồi. Cháu cũng hay nói chuyện 1 mình nữa, tự tưởng tượng ra 1 người nào đó rồi ngồi tâm sự cho người đó nghe, rồi khóc với người đó. Cháu phải làm sao đây? Giờ mỗi lần gặp chút áp lực hay nhớ lại sự kiện chiếc máy tính ngày ấy, cháu lại hoảng loạn và mất kiểm soát. Cháu sợ lắm. Bác sĩ ơi giờ cháu phải làm sao?
Trả lời:
Chào cháu!
Theo những gì cháu đã tâm sự, bác sỹ biết cháu đã rất cố gắng kiểm soát tâm trạng của mình, như vậy là rất tốt, cuộc sống xung quanh cháu rất tươi đẹp nhưng cháu chưa kiểm soát được suy nghĩ tiêu cực của mình phải không. Có thể mẹ cháu là người nóng tính nên đôi khi có nổi giân thôi, cháu không nên suy nghĩ nhiều về vấn đề này nhé. Tuổi của cháu đang là tuổi dậy thì, những vấn đề xung quanh sẽ tác động nhạy cảm hơn đến cháu, nhưng sau này lớn lên nữa, cháu sẽ thấy những vấn đề ấy hết sức bình thường. Cháu đi sắp đi học xa phải không, việc ba mẹ có nói trước những khó khăn cũng là điều đúng đắn chứ không phải là dọa nạt cháu như cháu nghĩ đâu, hãy chú ý những điều ba mẹ nói để lưu ý khi sống xa nhà nhé. Bởi cháu sắp đi học xa, vì vậy việc khám sức khỏe trước khi đi cũng rất quan trọng, cháu hãy đề nghị ba mẹ đưa cháu đi khám, đặc iệt khám ở khoa thần kinh để rõ hơn tình trạng bệnh nhé. Cháu cũng nên mở lòng, chia sẻ cảm xúc với ba, mẹ, anh em, bạn bè, như thế sẽ giảm bớt áp lực cho cháu. Nếu đi khám, bác sỹ chẩn đoán cháu bị trầm cảm thì bác sỹ khám trực tiếp cho cháu sẽ giúp cháu thoát khỏi tình trạng này.
Chúc cháu sức khỏe!